Mặc dù sinh ra và lớn lên trên miền đất Bình Định giàu truyền thống võ nghệ “trai thì múa võ, gái đi quyền thề”, cuộc đời đã hướng tuổi thơ của Phan Văn Bích đến với những làn điệu dân ca, điệu hò truyền thống. Ngay từ hồi còn nhỏ, Phan Văn Bích đã thuộc lòng và có thể nghêu ngao được khá nhiều câu hát bài chòi.
Tập kết ra Bắc, Phan Văn Bích cùng lứa học sinh miền Nam thuở ấy, được tham gia lao động sản xuất cùng những người nông dân cần lao, chất phác, và tham gia văn nghệ cùng họ trong thời gian nông nhàn, càng thúc đẩy chàng trai Bình Định đến gần hơn với âm nhạc. Những làn điệu dân ca thuở nào thấm dần như dòng nhựa sống cứ âm thầm chảy trong cây cho ngày bói quả. 19 tuổi, chàng trai này đã đánh dấu cái duyên khởi đầu sáng tác âm nhạc của mình với ca khúc Miền Nam ơi, chúng con đây!, nhân hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Hồ Chủ Tịch năm 1967, được nhạc sỹ Thuận Yến có lời khen ngợi khi có dịp xem bản nhạc chép trong sổ tay.
Thế rồi vào đại học, Phan Văn Bích may mắn có cơ hội sang Liên Xô học tập tại trường Đại học tổng hợp Roxtop – trên Sông Đông, trong thời gian khá dài, để trở thành cử nhân ngữ văn. Một lần nữa, thông qua ngôn ngữ, nghệ thuật và văn hóa Nga lại thấm đẫm tâm hồn vốn đa cảm của chàng sinh viên trẻ tuổi này. Trong thời gian này, Phan Văn Bích đã học thêm chuyên ngành 2 khoa âm nhạc trường Đại học Văn hóa thành phố Roxtop – trên Sông Đông, được phó giáo sư người Nga A.A Diprop trực tiếp hướng dẫn, và cùng tham gia những hoạt động biểu diễn. Bên cạnh việc không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, niềm say mê âm nhạc đã sớm mang lại cho Phan Văn Bích chút thành công nhỏ vào năm 1985 - đoạt giải người hát hay nhất trong cuộc thi “Người nước ngoài trình diễn bài hát Nga”.
Trở về nước, nhận công tác giảng dạy tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), trên bục giảng, Phan Văn Bích say sưa truyền thụ những kiến thức và văn hóa Nga thông qua những bài thơ, những câu chuyện hài hước hoặc những bài hát truyền thống của Nga, khiến cho không khí học tập luôn sôi nổi, hứng thú. Trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên ngoại ngữ, hình ảnh của thầy Phan Văn Bích luôn gắn liền với cây đàn ghi ta trên lưng và chiếc mũ phớt trên đầu. Giờ giải lao giữa tiết hoặc cuối buổi học, sinh viên thường xúm quanh để được nghe ông nhiệt tình vừa đàn vừa hát những ca khúc mà ông mới sáng tác.
Và sau này, khi đã nghỉ hưu, ông mới thực sự có thời gian trải lòng với âm nhạc. Bên cạnh việc sáng tác, Phan Văn Bích còn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình biểu diễn cũng như những hoạt động văn hóa xã hội trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã chính thức mời ông dạy những bài hát Nga cho người yêu nhạc Nga vào thứ tư hằng tuần. Dưới sự bảo trợ của Trung tâm KH- VH Nga, nhóm nhạc Bạch Dương do ông phụ trách đã hình thành. Được biết, trước đây nhiều người từng bất ngờ khi thấy con em của người Nga học tiếng mẹ đẻ qua thơ viết bằng tiếng Nga của nhà thơ Nga gốc Việt Lê Văn Nhân, thì nay chúng ta càng trân trọng và cảm động hơn, khi gặp trường hợp hai vợ chồng người Nga, cứ cuối tuần lại từ Hải Phòng lên Hà Nội để nhờ nhạc sỹ Phan Văn Bích dạy bài hát tiếng Nga mà do chính người cha của ông, từng là người lính tham gia chiến tranh, viết tiếp lời 2 đáp lại bài hát nổi tiếng Nơichiến hào (lời A.Xurcop, nhạc K.Listop).
Tính đến nay, thầy giáo Phan Văn Bích đã có hàng trăm ca khúc với nhiều đề tài phong phú. Riêng mảng nhạc mang âm hưởng Nga, phổ trên nền thơ của một số nhà thơ Nga nổi tiếng, được nhiều người biết đến như Tôi nhớ (thơ X. Exenhin), Tỉnh Mộng (thơ A.X.Puskin), Hoài niệm (thơ Ana Akhomatova) vv…Có thể nói rằng, thầy giáo Phan Văn Bích là người Việt viết nhạc mang âm hưởng Nga nhiều nhất. Mảng nhạc mang âm hưởng Việt của ông cũng khá độc đáo, một số ca khúc được khán giả yêu thích như Đêm Hội An (thơ Nghiêm Nhan), Đêm trăng hạ huyền (thơ Đặng Hữu Hưng), Vẫn dòng sông xưa (thơ Hoàng Gia Cương) hay Anh về theo mùa gặt (thơ Ngọc Chính) từng đoạt giải thưởng khán giả bình chọn, do ban tổ chức cuộc thi “Giai điệu trái tim” – Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng năm 2000. Ngoài ra những ca khúc song ngữ mang âm hưởng “hợp lưu” Nga – Việt, ví như bài Mơ mùa thu Hà Nội (thơ Đào Thị Côi, Lê Đức Mẫn), Có một nàng dâu Nga…đã không ít lần đánh thức trong lòng khán giả Nga nỗi nhớ quê hương da diết, có người cảm động đến rơi nước mắt.
Là người con đất Việt gắn bó với thủ đô nhiều năm, được chứng kiến những bước chuyển mình của lịch sử, được nghe hàng nghìn ca khúc từng viết về Hà Nội rất thành công, thầy giáo Phan Văn Bích vẫn muốn gửi gắm tình cảm và thử sức mình với đề tài này. Nổi bật trong chùm 5 ca khúc viết về Hà Nội, phải kể đến nhạc phẩm Hà Nội trong tôi (thơ Nguyễn Huy Hoàng), với giai điệu da diết, sâu lắng đầy tâm trạng, mang phức cảm đan xen giữa hoài niệm xưa cũ lẫn nhịp sống hối hả, vui tươi của thời đại mới.
Cái tứ của ca khúc thật đáng yêu, tường chừng như phi lý: Đứng giữa Hà Nội mà lòng cứ không nguôi nhớ về Hà Nội! Với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, ẩn sâu trong cảm xúc về vẻ đẹp thâm trầm và hiện đại của Hà Nội, là một nỗi đau có thực của tác giả “Chỉ dòng nước Sông Hồng là vẫn thế/ Sóng vô tình xoáy vào nỗi riêng tôi…”. Phải chăng nỗi đau mà nhà thơ phải gánh chịu chính là ông bị thất lạc đứa con gái bé bỏng ngay tại quê hương thứ hai - nơi mà ông đã học tập và thành danh như ngày nay.
Quá trình hoạt động sáng tác âm nhạc cũng như truyền bá văn hóa Nga – Việt, trong con mắt của nhiều người, thầy giáo Phan Văn Bích đã trở thành “Kẻ hợp lưu văn hóa” đúng như lời nhận xét của ngài A. Iu. Lavrenev , tham tán Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, trong thư cảm ơn viết: “…Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tình yêu nước Nga và sự nhiệt tình của Ông và các đồng nghiệp Việt Nam không chỉ là minh chứng cho tình cảm hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga, mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp thanh niên…”
Dưới đây là một trong những sáng tác của thầy Phan Văn Bích. Bài hát " Mãi mãi tiếng Nga cùng ta- С НАМИ РУССКИЙ ЯЗЫК"- một ca khúc trữ tình sâu lắng. Tôi thấy mình thật may mắn được là học trò của thầy, không chỉ được thầy dạy tiếng Nga mà còn được thầy truyền cảm hứng nuôi dưỡng tình yêu gắn bó với nước Nga thân thương.
Lời Nga:
Повсюду учат кто английский,кто французский
А мы с большой отрадой учим русский
Завущий на свершения язык
Изящный меткий Пушкина язык.
Российский уголок увидишь во Вьетнаме
Побыв на фабриках и в школах с нами
Кругом звучат любимые слова:
Россия- Дружба- Счастье-Мир- Москва
Припев: На свете нет родного языка дороже
Но нам язык России и мил и близок тоже
Делился горем он с нами строил города
Расстаться с ним не можем никогда
Расстаться с русским языком
Не можем никогда.
Lời Việt:
1.Kìa ai đang say sưa theo tiếng Anh hay là theo tiếng Pháp
Con tôi yêu say tiếng Nga như cuộc đời tha thiết
Giục ta đi xây tương lai sáng ngời uớc mơ
Yêu sao câu thơ ngân nga thắm tình Puskin
2.Bạn ơi khi sang thăm quê hương tôi tin rằng bạn sẽ thấy
Một không gian Nga thân thương dưới mái trường nơi xưởng máy
Từng âm thanh Nga vang lên theo nhịp trái tim ta:
Россия- Дружба- Счастье-Мир- Москва.